Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Từ Usain Bolt đến Raheem Sterling

Vấn đề cầu thủ 2 quốc tịch không phải là điều gì mới lạ trong làng bóng đá thế giới, nhưng với tuyển Anh, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Có lẽ, thành công của tuyển Đức những năm qua đã thay đổi suy nghĩ của họ.

Raheem Sterling

Với việc lựa chọn Carl Jenkinson, Wilfried Zaha và Raheem Sterling trong danh sách đến làm khách ở Thụy Điển trong trận giao hữu tối nay, HLV Roy Hodgson có thể đã lần đầu tiên trong lịch sử trao cơ hội khoác áo Tam sư cho những cầu thủ rồi sẽ chơi cho các quốc gia khác. Jenkinson từng chơi cho các đội U17 và U19 Phần Lan, dù anh công khai cam kết tương lai với tuyển Anh. Sterling, có thể chơi cho đội bóng Jamaica, quê hương của huyền thoại điền kinh Usain Bolt, vẫn chưa khẳng định ý đồ còn Zaha thậm chí đã nhận được điện thoại của Didier Drogba, trụ cột của Bờ Biển Ngà, nơi anh ra đời. Một kịch bản không thể hoàn toàn bác bỏ là Zaha hay Sterling có thể lập hat-trick cho tuyển Anh trong trận giao hữu với Thụy Điển tối nay để rồi chính họ sẽ lại ghi bàn loại Tam sư khỏi World Cup ở Brazil trong 2 năm nữa.
Toàn cầu hóa bóng đá đã thách thức ngay cả những giá trị nền tảng nhất tưởng như không thể lay chuyển, là quốc gia và dân tộc, màu cờ sắc áo. Phát biểu về lòng trung thành của anh với màu áo trắng, Zaha nói với báo chí Anh: “Lúc này là 50-50 vì tôi sinh ở Bờ Biển Ngà, nhưng những gì tôi biết là nước Anh (anh sang Anh cùng bố mẹ từ năm 4 tuổi). Khi đến lúc tôi sẽ lựa chọn, còn lúc này, tôi chỉ tập trung vào việc vươn lên hơn nữa”. Trong khi nhiều người Anh yêu nước có thể thấy khó chịu về thái độ nước đôi đó, Zaha đã tỏ ra trung thực.
Đội tuyển quốc gia đương nhiên không phải là CLB để lựa chọn và cân nhắc dựa trên lợi ích, nhưng với tính cạnh tranh cao hơn ở tuyển Anh, sẽ là rất đáng tiếc nếu như Zaha, một tài năng trẻ đã được thừa nhận ở giải hạng Nhất trong màu áo Crystal Palace, phí hoài cơ hội của anh đóng góp cho Bờ Biển Ngà ở các giải lớn nếu tiền vệ cánh 20 tuổi này không chen chân được vào đội bóng của Hodgson.
Sterling cũng vậy. Anh đã sống 6 năm đầu đời ở Jamaica, cả bố mẹ đều là người Jamaica và mẹ anh không giấu diếm mong muốn được thấy con mình phục vụ quê hương. Hodgson đương nhiên muốn điều ngược lại, và ông đã cố gắng tác động, dù vẫn ra vẻ khách quan. “Tất nhiên khi có thể lựa chọn, thì bạn sẽ lựa chọn”, HLV tuyển Anh nói. “Cậu ấy có thể nói cậu ấy không muốn chơi ở đây, mà muốn đá cho Jamaica. Nhưng tôi hy vọng là không phải như vậy. Tôi đã gọi cậu ấy lên tuyển và mong cậu ấy thấy vui vì điều đó. Được khoác áo tuyển Anh là mơ ước lớn với nhiều người”.
Thật ra, Sterling và Zaha không phải là những cầu thủ đầu tiên có hai quốc tịch ở tuyển Anh. Từ thế hệ đầu tiên những cầu thủ da đen được khoác áo Tam sư những năm 1970 đã có khá nhiều người như thế. Cyrille Regis có thể chơi cho Pháp do gốc Guyana thuộc Pháp. John Barnes, có 79 lần khoác áo tuyển Anh và từng chơi ở bán kết World Cup, cũng đã có quyền chọn Jamaica. Tony Dorigo sinh ra và lớn lên ở Melbourne, Australia. Owen Hargreaves chưa bao giờ sống ở Anh cho tới khi khoác áo M.U, 6 năm sau lần đầu khoác áo tuyển Anh.
Tất cả những trường hợp đó, và Sterling, Jenkinson cùng Zaha tối nay, chỉ là bắt đầu cho một thời đại toàn cầu hóa mới không để lại bất cứ thứ gì bên lề, bao gồm cả các đội tuyển quốc gia tưởng là với bản sắc bất khả xâm phạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét